Miền Tây được nhắc đến qua những trang văn, thơ không chỉ bởi vẻ đẹp sông nước hữu tình, mà còn bởi những món ngon nổi tiếng níu chân du khách. Nếu có dịp về miền sông nước này, bạn đừng quên thưởng thức vị ngọt của cá lóc nướng trui, vị đắng của rau đắng sau hè ăn kèm với lẩu mắm… Chỉ tưởng tượng thôi cũng đã khiến bạn thèm thuồng.
Đến với miền Tây sông nước, từ rừng cao, biển rộng hay sông dài, chúng ta đều có thể tìm thấy những nguyên liệu chế biến món ăn tươi ngon. Cũng bởi vậy mà ẩm thực miến Tây luôn là đề tài hấp dẫn, thu hút nhiều du khách thập phương. Giữa vô vàn món ngon, món lạ, món đặc sản, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu đến các bạn top 7 món ăn làm nên danh tiếng ẩm thực miền Tây nức tiếng gần xa.
Món lẩu mắm
Lẩu mắm là cách ăn cầu kì, biến tấu ngoạn mục từ món mắm kho đạm bạc của người miền Tây. Để ngày nay từ phố thị đông vui xứ Tây Đô đến chốn phồn hoa đất Hà Thành; người ta vẫn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn dung dị của miền “gạo trắng nước trong” này.
Hiện nay, lẩu mắm Cần Thơ được khen là ngon nhất nhì. Tuy nhiên mắm muốn ngon phải có xuất thân từ Châu Đốc. Xứ thiên đường của đủ loại mắm độc đáo. Mắm nấu với nước dừa hoặc nước hầm xương heo với độ đậm nhạt tùy theo người thực khách. Loãng quá sẽ thiếu vị mắm mà đặc quá đâm ra mặn, mắm; mà mặn cũng mất cái ngon của mắm. Trong nồi lẩu còn nhất thiết phải có một chút nấm rơm, cà tím, khổ qua để tăng vị ngon ngọt.
Nhưng yếu tố hấp dẫn nhất của lẩu mắm nằm ở các thức ăn kèm, thông thường là thịt ba rọi, cá tra, cá ba sa hoặc cá kèo. Nếu thích, có thể bỏ thêm tôm sú, ốc bươu, thịt bò,… Nói chung, lẩu mắm dung nạp mọi thứ cá thịt tùy ý thích của từng người ăn một cách rất hào phóng. Vậy nên không hề quá lời, khi gọi lẩu mắm là bản giao hưởng của ẩm thực miền Tây.
Với sự hòa quyện hương vị đậm đà của thịt heo với vị ngọt của các loại hải sản và rau củ quả; lẩu mắm miền Tây từng bước chinh phục được cả các tiêu chuẩn về ẩm thực khó tính nhất và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng thức.
Món canh chua cá linh bông điên điển
Mùa nước nổi, mùa cá linh tràn về khắp các sông, các ao rạch. Với người dân miền Tây, mỗi mùa cá linh về cũng là lúc mọi người cùng chiêm ngưỡng loài bông điên điển nở khắp các triền đê, ven sông. Vậy là người ta biết kết hợp những thứ cây nhà lá vườn thành những món ăn đặc trưng. Canh chua cá linh bông điên điển là một món ăn như thế!
Vị ngọt của cá linh non còn chưa tượng xương với vị hăng hăng của bông điên điển. Đã được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tây Nam bộ hòa quyện vào cùng một món ăn. Cá linh sau khi làm sạch bụng, sẽ cho vào nồi nước me chua nấu. Do cá rất nhanh chín nên khi cho vào đợi nước sôi trở lại thì cho giá, cà chua, ngò gai, rau thơm; và hoa điên điển vào đun thêm 1 phút; sau đó tắt bếp và cho gia vị, hạt nêm.
Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây; và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt… khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.
Món ba khía muối
Ba khía muối là món ăn đơn sơ, bình dị và dân dã nhưng nó hội tụ tất cả tinh túy của hương đồng gió nội. Để một ai đến vùng miền Tây sông nước được nếm thử nó phải xuýt xoa, trầm trồ.
Muối ba khía cũng đòi hỏi lắm công phu. Ba khía bắt về rửa sạch bằng nước mặn trước khi muối. Nước muối không được nhạt hay mặn quá, nấu sôi để nguội cho tí cơm nguội vào; khi hạt cơm nổi lên thì bỏ ba khía vào muối, để chừng 5 ngày là dùng được. Ba khía vẫn giữ màu sắc như lúc còn sống là đạt chất lượng. Những con ba khía cái, yếm đầy trứng, gạch đầy mai mới là ngon.
Muốn ăn ba khía muối ngon lấy ba khía con lớn, rửa sạch rồi tách cho vào tô trộn đều với gia vị gồm: tỏi, ớt, bột ngọt, đường; và nước cốt chanh trộn đều rồi ăn với cơm nguội thì mới đậm đà và đúng điệu. Bạn có thể ngậm từng cái que nhỏ, cắn vỡ càng, nhón lấy miếng thịt mềm, dịu, chan nước trộn ba khía mặn, ngọt, chua, cay vào cơm. Rồi ăn trong lúc trời mưa thì quả là không gì có thể sánh bằng.
Món chuột đồng nướng lu
Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, đâu đâu cũng có món thịt chuột đồng mời gọi khách; ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc; thì món chuột đồng quay lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây sông nước.
Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị cho thấm. Sau đó móc từng con vào lu. Người chế biến phải rất khéo, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, để sao cho lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm.
Chuột đồng quay lu vàng óng, bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến thực khách phải xuýt xoa với mùi thơm nức hấp dẫn. Chuột nướng lu ăn kèm muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo… Cắn miếng thịt chuột, cảm nhận lớp da giòn tan, thịt thơm và mềm; bạn sẽ quên mất cảm giác ghê ghê; chỉ còn vị ngọt cứ tan dần trong huyết quản.
Món gỏi sầu đâu cá sặc
Tháng 10 về, những cây sầu đâu ở Châu Đốc lại thay lá, ra hoa. Người dân nơi đây được mùa thu hoạch; người lữ khách thập phương lại được dịp thưởng thức món đặc sản gỏi sầu đâu khô cá sặc ngon trứ danh của miền Tây sông nước.
Lá non và hoa sầu đâu sau khi rửa sạch thì trụng qua nước sôi cho bớt đắng, để ráo nước. Dưa leo, thơm và xoài thái mỏng. Khô cá sặc đem nướng rồi xé nhỏ. Thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ. Trộn các nguyên liệu lại với nhau. Rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, rồi tiếp tục trộn đều tay.
Nước chấm là nước mắm me được chế biến khá công phu. Cho me vào nồi, đổ thêm ít nước đun sôi nhẹ đến khi rã rồi lọc lấy nước. Nước me trộn vào nước mắm nhĩ, thêm ít đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa nhưng rõ từng vị chua, cay, mặn, ngọt. Mùi thơm của thịt cá sặc nướng, vị ngọt béo của thịt ba chỉ… hòa lẫn cùng vị đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, dân dã, lạ miệng và rất tinh tế.
Món cá lóc nướng trui
Đây là món ăn đã quá nổi tiếng và quen thuộc đến nỗi. Nếu ai đã từng một lần đến miền Tây đều khát khao thưởng thức cho bằng được miếng cá lóc nướng trui thơm lừng. Điều làm nên nét riêng của món cá nướng này chính là thành phần; và cách chế biến có một không hai của nó. Cá lóc để nướng phải là loại cá lóc đồng bắt ở các khe suối; hoặc thửa ruộng khi vừa gặt lúa xong; mỗi con ít nhất phải nặng 500 gram.
Cách nướng cũng rất độc đáo, người ta không đặt trên vỉ nướng hay lò viba như trong thành phố mà dùng que tre hoặc thanh trúc xiên qua từng con từ đuôi ra lòng cá. Sau đó đặt lên bếp nướng bằng rơm hoặc bã mía. Chờ cho đến khi vảy cá cháy đen, lớp thịt bên trong chín đều, người ta làm sạch bộ đồ lòng của cá rồi chấm với nước mắm tỏi ớt.
Tranh thủ ăn khi còn nóng, bạn sẽ ngất ngây với vị ngọt dai của miếng cá lóc còn vương mùi rơm khói; quyện cùng hương nước mắm đặc trưng thơm lừng tỏi ớt. Cá lóc nướng trui có nhiều ở miền Tây nhưng ngon và đặc biệt nhất phải kể đến An Giang. Bạn có thể chạy vào trung tâm TP. Long Xuyên, ghé một quán ăn đặc sản bất kì; và tận hưởng vị ngon của món cá lóc nướng trui này nhé!
Đuông dừa
Đuông dừa là tên của một loại ấu trùng chuyên sống trên thân cây dừa, cau…có rất nhiều ở miền Tây Nam Bộ, có màu trắng, béo tròn. Để bắt được nó, người ta phải đốn hạ cả cây dừa vì nó nằm sâu bên trong củ hũ dừa. Đuông dừa có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Như: đuông chiên giòn, gỏi đuông tầu hũ dừa, đuông lăn bột… Đuông dừa lớn lên nhờ vào ăn hũ dừa nên khi ăn bạn luôn cảm nhận thấy vị béo thơm; rất dễ chịu chứ không giống như vị béo của mỡ động vật.
Đây là một loại thức ăn bổ, sạch, chứa nhiều protein; và cung cấp nhiều vitamin A, C, B1, chống lão hóa, tăng cường sức khỏe. Dĩ nhiên, đuông dừa ngon; và nhiều nhất thì phải nhắc đến Bến Tre – thủ phủ của dừa.
Ngày nay, nhiều nhà hàng, quán ăn đã biến tấu vô vàn những món ăn ngon theo những cách riêng từ Bắc chí Nam. Nhưng chưa có thứ hương vị nào đậm đà. Dễ đi vào lòng người và cũng thật khó quên như những món ăn “đặc sản” từ ẩm thực miền Tây sông nước. Thử một lần đặt chân đến miền sông nước hữu tình này để cảm nhận trọn vẹn nhất nhé!
Nguồn: innotour.vn