Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, do ký sinh trùng Plasmodium gây ra. Và do muỗi Anophen truyền từ người mắc bệnh (người có ký sinh trùng sốt rét) sang người lành. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh sốt rét nếu họ sống hoặc đi du lịch ở những vùng núi có bệnh sốt rét lưu hành và bị muỗi Anopheles đốt.
Bệnh thường gặp ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, châu Á, châu Phi. Mỗi năm, có khoảng 515 triệu người mắc bệnh và từ 1 đến 3 triệu người tử vong – chủ yếu là trẻ em ở vùng cận Sahara và Châu Phi. Bệnh sốt rét thường gắn liền với đói nghèo, lạc hậu và là trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế.
Ai có thể mắc bệnh sốt rét?
Mọi người đều có thể nhiễm bệnh sốt rét. Khả năng miễn dịch với sốt rét không đầy đủ và ngắn do vậy có thể bị tái nhiễm ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét. Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng; và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Đối với hầu hết các ca bệnh nặng phải có chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%.
Nguyên nhân bệnh
Tác nhân gây bệnh: ký sinh trùng sốt rét thuộc chi Plasmodium (ngành Apicomplexa). Ở người, bệnh truyền nhiễm sốt rét gây ra bởi 5 loài: Plasmodium falciparum, Plasmodium malariae; Plasmodium ovale, Plasmodium vivax và Plasmodium knowlesi. Nguy hiểm hơn cả là Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax. Hai loài còn lại (Plasmodium ovale, Plasmodium malariae) cũng gây bệnh nhưng ít tử vong hơn.
Riêng loài Plasmodium knowlesi, phổ biến ở Đông Nam Á; gây bệnh sốt rét ở khỉ nhưng cũng có thể gây bệnh nặng ở người. Ký sinh trùng sốt rét không tồn tại ở môi trường bên ngoài. Chỉ tồn tại trong máu người và trong cơ thể muỗi truyền bệnh Trung gian truyền bệnh: muỗi Anopheles
Triệu chứng thường gặp của bệnh
Những người mắc bệnh truyền nhiễm sốt rét thường có những cơn sốt. Điển hình như: Người ớn lạnh, đau mỏi cơ, nhức đầu, rét run (người bệnh có thể đắp mấy chăn bông nhưng vẫn rét); sốt nóng ( người bệnh sau đó vã mồ hôi). Nhưng có nhiều trường hợp mắc sốt rét không có cơn sốt điển hình, người bệnh chỉ cảm thấy ớn lạnh hoặc gai rét.
Sốt rét được chia làm 2 loại: Sốt rét thông thường là sốt rét chưa có biến chứng. Và sốt rét ác tính là sốt rét có biến chứng dẫn tới những triệu chứng nguy hiểm. Và có thể tử vong sau 12 giờ đồng hồ sau khi có triệu chứng của bệnh. Đối với bệnh nhân mắc bệnh sốt rét việc chẩn đoán chính xác. Và kịp thời vô cùng quan trọng vì bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và đe doạ tính mạng người bệnh.
Tác hại khi mắc bệnh sốt rét
- Gây thiếu máu: Do ký sinh trùng vào trong máu nên chúng phá vỡ hàng loạt hồng cầu, dẫn đến thiếu máu, da xanh, môi thâm, mệt mỏi, gầy yếu.
- Gan to, lách to.
- Trẻ em bị mắc bệnh sốt rét cơ thể còi cọc chậm lớn, kém thông minh.
- Phụ nữ có thai mắc SR dễ gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non hoặc khi sinh nở dễ mắc phải những tai biến.
Biện pháp phòng và ngừa sốt rét
Để khỏi mắc bệnh sốt rét cần tránh muỗi đốt, mọi người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
– Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt rét. Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
– Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv…
– Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời. Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguồn: ytehagiang.org.vn